Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

vài vấn đề của Em mờ Giây



Buổi sáng ngày 26/6, tin nhắn Củ rất khó hiểu từ Sydney múi giờ sớm, sau đó cu Bia chạy vô và xác nhận tin MJ qua đời. Ngồi lên máy và search. Để biết. Tin Tàu. Tin Mỹ. Tin giá xăng. Lại là một tin nữa. Vậy thôi.




chú thích ảnh: bệnh nhân MJ đang bị thao túng bởi bọn to béo
khỏe

Sau đó là những phản ứng não lòng, sến, có phần thái quá. Lướt trên mạng, thấy MPThúy bật khóc, Mr Đàm rưng rưng ... Có những bạn ngủ 1 đêm dậy bỗng trở thành con nghiệm MJ. Có bạn sì sụp lạy một vài ngẫu tượng của MJ trong công viên. Và có nến, có hoa.
Sau đó, anh Nguyễn Tập post trên facebook:


Tap Nguyen Hết mấy em nghệ sĩ Việt Nam "bàng hoàng", "bật khóc", "choáng váng" bây giờ lại đến mấy em nhỏ "lạy sì sụp"... Chẳng biết khi nghe tin ngư dân của mình bị tụi Tàu xử tại biển, tụi nó có biết rung động một chút nào không?

Mình comment trả lời:

Ok, để nói rõ hơn tí. Chắc hồi đó a cũng có coi clip của MJ, có mấy em gào thét, khóc lóc, rồi ngất xỉu tè le. Nay MJ chết, cũng xuất hiện nhiều người như vậy. Đó là loại người có nhân cách yếu, đặc điểm là dễ bị tác động bởi ngoại cảnh. Những lời đồn thổi, đám đông gào thét, những cảnh tượng hùng vĩ có ấn tượng mạnh, sẽ tác đông lên trên những người này nặng hơn so với người bình thường. Trong quyên Tâm lý học đám đông. Gustave Le Bon nói: chính những người này là nhân tố hàng đầu để các buổi diễn thuyết, các phong trào chính trị-xã hội đi đến thành công. Họ cũng là nguồn động lực tiếp nối đến các dạng nhân cách khác vốn đáp ứng chậm hơn về mặt xúc tác.
Bởi vậy, em nêu ra câu hỏi để chỉ ra rằng: nếu nước ta muốn phát động một phong trào kháng lại cuộc xâm lăng mềm này của Tàu, thì cần phải hiểu những người này sẽ là một nhân tố cần chú ý đến. Đòi hỏi họ phải vượt quá khả năng mình là rất khó, mà phải chú ý đến cái gốc của xã hội trước. Họ chỉ là phần ngọn. Gốc mạnh thì ngọn bật cao.
Nếu ngày mai, 100 tờ báo của ta đồng loạt tố cáo Tàu, lên án bằng những mỹ từ như đã dành cho Lê Kinh Động, các đoàn thể chánh trị của ta sôi sục như đã từng sôi sục với kết quả báo cáo nhân quyền, chính những người này sẽ khóc lóc, căm hờn và cầm biểu ngữ ra đường. Quy chế, ràng buộc của xã hội thế nào thì tự người ta sẽ ràng buộc trong giới hạn ấy. Nới rộng ra tới đâu, họ sẽ tự bước ra theo tới đó. Anh cứ an tâm.

Comment của facebook chỉ cho 1000 chữ nên phải tách làm 3 lần, đã vậy khi hết giới hạn thì không báo mình biết mà tự ý cắt chữ ở phía trên. Khiến loay hoay làm mất ý, mất chữ lung tung. Có lẽ vấn đề những kẻ dễ bị kích động sẽ được đề cập trong lần sau.
Với mình, MJ cũng là một ca sĩ, như Đàm, như Sade, như Andy Gibb.... với giọng hát khá mỏng không có hơi và nhảy múa đẹp. Ca sĩ là kẻ rặn ra nhạc để mình nghe -và xem như một phần phò trợ hiện đại. Những thứ lăn tăn còn lại dành cho bọn đầu cơ danh tiếng khai thác. Bọn chúng đào được bao nhiêu đô la từ những mỏ vàng đó thì đào, phần mình có mấy búp cải non giải sầu qua ngày là đủ.
Nhìn lại, khi đánh giá về con người, nhân cách của gã MJ rõ ràng mình bị ảnh hưởng của media. Trong đầu của mình khoác cho MJ bộ áo của một tay nghệ sĩ sắp hết thời cố gắng lấy lại celebrity skin (dù real skin của gã đã bị tẩy mòn) bằng những màn ẵm con chìa ra ban-công, mua cây đàn trắng của Lennon hay cưới con gái Presley. Từ khoảng cuối những năm 80, gã có hơi hướm tâm thần phân liệt khi bắt đầu từ bỏ màu da, hủ hóa với trẻ con, ăn xài như hạm ...
Thế rồi, đọc được từ blog Lung Vu:

Một chi tiết mình cảm nhận rất rõ khi xem cuốn phim này đó là một hình ảnh chú bé Michael – từ giọng nói, hình thức, ăn mặc, đến những suy nghĩ của anh, đều toát nên một Michael thiếu nhi chứ không phải người trưởng thành. Mình không biết điều gì đã xảy ra với Michael: bệnh tâm thần, thay đổi tâm lý bất thường? Có lẽ chỉ có bác sĩ/nhà tâm thần học may chăng mới có câu trả lời. Ngay cả cái cách mà anh này chơi với con và nói chuyện về con cũng như là 1 đứa trẻ với 1 đứa trẻ chứ không phải một người cha với con. Hiện lên là một hình ảnh Michael ngây thơ và quá tốt bụng và mình không thể hình dung nếu anh có thể làm hại người khác. Michael đã bị một hội chứng bệnh nào đó khiến anh thích sống cuộc đời là 1 ấu nhi hơn là 1 người trưởng thành. Và có thể cái việc chơi với những đứa trẻ chỉ là nhu cầu rất tự nhiên.
Trong lòng lại một lần nữa thay đổi chiếc áo khoác của MJ. Mấy lời nhận xét của Lung Vu cũng rất ư có lý. Nhân chi sơ tính bản thiện, nếu quả thật gã giống như một đứa trẻ to xác thì khá nhiều tội lỗi được xí xóa. Một điển hình con tốt thí của công nghệ biểu diễn khi đẩy đứa trẻ nổi tiếng quá sớm lên đỉnh cao danh vọng ảo. Mọi bộ phận của nền công nghệ biểu diễn (bao gồm cả media) thượng tôn mục tiêu số 1 là kiếm tiền. Để có tiền, hệ thống đó cần đẻ ra một kẻ nổi tiếng. MJ không thể thích ứng với cuộc đời bình thường và dần dần biến thành một kẻ bị thiểu năng về nhân cách. Vấn đề hủ hóa được giải quyết gọn bằng lý giải về một ca đẹp tìm lại tuổi thơ bị đánh cắp. Cuộc sống hẹp trong xã hội thượng lưu da trắng chiếm đa số, bản thân MJ là một người thiếu học vấn và ít được đào luyện về bản lĩnh, thế là vấn đề màu da được giải quyết. Cứ theo đà nhất sự thông này thì vạn sự sẽ thông.
Sau một sáng nghiền ngẫm với ý nghĩ được mớm từ blog kia, chiều nay mình sực tỉnh. Hình như, vâng, hình như, một lần nữa mình lại bị tẩy não bởi media. Sau nạn nhân F1 Lung Vu bị ABC chanel trù ếm thì mình là kẻ tội đồ F2. Cho dù biết là bị tông tơi tả bởi chiếc xe đò truyền thông mình cũng không thể tìm ra đường đào thoát. Nghi ngờ với nguồn và cả đầu ra thông tin, đặt dấu hỏi cho mọi minh xác có thể đạt được, hôm nay cảm thấy rõ hơn mình như là một nạn nhân của sự ngập tràn media. Đúng hay sai ? J.P Satre nói: đúng và sai tách biệt khỏi nhu cầu con người. Bởi vậy, đi tìm trả lời tuyệt đối thì đúng là đồ ngu. huhu, nhưng mà cũng đau đầu.
Có thể nói mình chả hơn gì MJ và đồng bọn nổi tiếng của gã. Về mặt bất lực.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

69

Bốn mươi năm nhìn lại và trông lên


Tháng 3 năm 1969, Eisenhower chết trên giường bệnh ở Washington. Người từng là vị tướng tài góp phần kết thúc thế chiến thứ II đồng thời là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đặt những hòn đá mở đường cho sự hiện diện ở Việt Nam. Nhìn qua lát cắt mỏng manh của lịch sử, dường như một kết thúc này là bắt đầu của một thời đại khác. Những ảnh hưởng chính trị, văn hóa của thế giới vẫn từng ngày tác động qua lại trên bình diện tòan cầu. Làng quê Quảng Ngãi xa lắc, bờ sông Amur lạnh giá vẫn chịu ảnh hưởng bởi một cuộc chuyện trò ở Washington hay một bài hát thu ở studio trên đường Abbey. Ngày ấyng gào thét nổi loạn, thời của bế tắc và chiến sự ùng oàng … nghe thật xa nhưng có vẻ dư âm còn vang vọng mãi đến gần đây.

Năm bản lề bước vào thập niên 1970 cũng là thời điểm Mario Puzo hoàn tất tiểu thuyết Bố Già, cùng lúc Irwin Shaw viết nốt những dòng cuối cùng của quyển Người Giàu Người Nghèo. Bất ổn không chỉ rành rành trên những trang sách, bất ổn đang dần lộ ra sau vài năm an bình hậu chiến tranh thế giới. Hoa Kỳ tiếp tục tự chia rẽ chính mình bởi cuộc chiến bên kia bờ đại dương, Châu Âu vẫn đang miệt mài tái thiết kinh tế và chuốt nhọn nền văn hóa đang già cỗi, Châu Á và Châu Phi hỗn loạn phập phồng từng ngày. Dường như chỉ có dòng chảy của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật là không bị ảnh hưởng gì bởi những nhiễu động kia. Năm 1969 xảy ra sự kiện khiến nền tài chính ngân hàng toàn cầu phải thay đổi: chiếc máy rút tiền tự động ATM đầu tiên được lắp đặt ở Rockville, Mỹ. Ở những ngày cuối thập niên 2000, mỗi ngày hàng triệu triệu tin nhắn bay vụt vèo qua lại trên YM hay Google talk. 40 năm trước, sau bao nhiêu gian khó và thất bại, tin nhắn đầu tiên trên thế giới gởi đi thành công thông qua tiền thân của internet ngày nay, ARPANET. Tháng 11 năm đó, hai đầu là hai chiếc máy tính to đùng của mạng ARPANET được chính thức kết nối, và ngày nay là hàng triệu hàng tỉ kết nối góp sức kiến tạo nên một thế giới đang ngày càng phẳng và dẹt.

Nhưng thế giới của năm Kỷ Dậu không hề bằng phẳng chút nào, bom đạn vẫn rơi ở Nigeria, lò lửa vẫn rực cháy ở Trung Đông, máu vẫn đổ ở Việt Nam. Những đồi A Bia thịt băm, những Mỹ Lai không phải vô cớ nảy ra trong thời điểm này. Sức ép của những người lính không chỉ đến từ bên trong mà còn từ bên ngoài của cuộc chiến. Khi lên đến đỉnh điểm, nó tạo nên công phá kinh hồn. Đã đến lúc người ta phải tạo ra lối thoát đầu tiến với 25.000 lính triệt thoái và sau đó là xúc tiến ban đầu cho hiệp định Paris.

Trong khi đó, tinh thần phản chiến ở Hoa Kỳ vẫn tiếp tục trào dâng. Chỉ vài năm sau dòng chảy êm đềm và sâu sắc của folk - rock của Bob Dylan, Pete Seger, Joan Baez, người ta chứng kiến cơn bão tràn qua Woodstock để nuôi dưỡng cơn giận dữ ngấm ngầm của punk rock sẽ phún trào chỉ một thời gian ngắn sau đó. Những ngôi sao âm nhạc thời kỳ này không tránh khỏi dính líu ít nhiều đến phong trào phản chiến. Một tháng sau cuộc bãi công khổng lồ để phản chiến lan tràn từ Mỹ đến Úc, John Lennon trả lại tấm huân chương hiệp sĩ anh đã nhận từ nữ hoàng Anh.

Trong khi đường biên giới của Xô Viết và Trung Quốc bị dao động trong suốt năm bản lề này thì biên giới của âm nhạc liên tục được mở rộng. Album Led Zeppelin I được xem là vị tiên phong của dòng heavy metal vừa ra đời hồi đầu năm thì ngay lập tức In the court of Crimson King xuất hiện như cánh chim báo hiệu thời hoàng kim của progressive rock.

Không chỉ phản ánh tâm trạng của con người, âm nhạc thời kỳ này còn đề cập đến nhiều vấn đề đương đại. Cuộc chạy đua ra ngoài không gian giữa Hoa Kỳ và Liên Xô lên đến đỉnh điểm. Tàu Soyuz 5 của Liên Xô vừa rời bệ phóng, ngay tức thì đến lượt Apollo 11 đưa những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Chỉ một tháng sau, David Bowie tung ra Space Oddity ám chỉ sự kiện không gian này và bản ballad này trở thành một trong 10 single bán chạy nhất mọi thời đại.

Trong khi âm nhạc của Anh quốc được nhập khẩu ào ạt thì màn ảnh rộng Hollywood lại bị ảnh hưởng từ nước Pháp. Biểu tượng thư sinh James Dean nổi loạn không rõ cội nguồn được thay thế bởi tay hippie chán ghét chiến tranh, cưỡi Harley chạy rông mang tên Jack Nicholson. Marguerite Duras, Jean-Luc Godard… và cả Ingmar Bergman từ cựu lục địa bên bờ Đại Tây Dương vươn dài ảnh hưởng, khai thông và để lại dấu ấn đậm nét trên nền điện ảnh avant -garde thập niên 70 của Hoa Kỳ.

Sau gần 1/3 thế kỷ, nhìn từ chiều thuận thế giới đã tiến những bước dài nhưng chưa hẳn là con đường thẳng. Heavy metal đã vượt qua đỉnh và phân hóa thành hàng chục nhánh nhỏ, âm nhạc của người da đen không chỉ còn là gospel hay jazz mà có thêm R&B, rap. ATM, FED, IMF… hay Krugman, Stiglitz làm diện mạo tài chính thế giới thay đổi hoàn toàn nhưng chưa đủ để mang lại sự ổn định. Bên chiếc bàn ngày nào Nixon bàn luận với Kissinger về chiến lược với Việt Nam giờ là tổng thống da màu đời thứ 44 Obama suy tư với suy thoái kinh tế. Chiến sự Việt Nam đã ngừng tiếng súng trong khi lò lửa Trung Đông vẫn nóng bỏng mỗi ngày, mặt trận chống khủng bố vẫn căng trên từng phần. Những bài nhạc phản chiến mới toanh thỉnh thoảng vẫn lên hit, biện minh cho bất ổn còn tồn tại ở đâu đó. Mạng internet có khả năng chuyển tải vô vàn tri thức trên phạm vi toàn cầu, nhưng lượng kiến thức vẫn là tương đối và dường như đã bão hòa trong từng cá nhân.

Một ngày tháng 4 bốn mươi năm trước, Yasser Arafat được bầu làm lãnh đạo tổ chức được xem là khủng bố PLO, sẵn sàng dùng mọi hình thức đấu tranh dữ dội nhất để giành độc lập cho xứ Palestine, hai mươi lăm năm sau ông nhận giải Nobel hòa bình, năm 2009 Palestine vẫn còn bị xâu xé từng mảnh và hỗn loạn triền miên. Diễn tiến trên như minh chứng cho một thời kỳ bốn mươi năm đầy những chân lý đối nghịch, những niềm tin bị đánh cắp, những hy vọng trỗi dậy và lụi tàn, những sức mạnh hướng nhân lọai về miền đất không thể hứa trước. Dù sao đi nữa, như lời bài hát Space Odditty: “Planet earth is blue, and there is nothing I can do”, khi đã lên quá cao và xa ngòai tầm kiểm sóat, người ta chỉ còn cách dõi theo trái đất xanh rì và chờ đợi.

viết và đóng đinh

Đọc blog của anh Tung H link tiếp vào Gauxauxi blog. Tiêu đề trên Gauxauxi'g blog là Sợ Viết.
Dường như ai đã từng viết, cũng đều phải trải qua một vài lần bị sợ hãi. Sợ nhiều thứ. Chủ yếu bởi vì nó không còn giấu vào đâu được, nó không còn là ý niệm nữa, nó đã được vật chất hóa. Dĩ nhiên là khi viết cho chính mình, như bộ nhật ký cho một người và chỉ một người mà thôi, anh sẽ loại trừ được tác động đến từ các luồng tư tưởng khác chiều. Nhưng liệu anh có khả năng loại được cơn sợ tự thân /nội hàm không ? Tôi không rõ ai đã có kinh nghiệm về việc bật những suy nghĩ tiêu cực ra thành trang viết chưa, đặc biệt là thành thơ ca. Quãng thời gian sau, bất thần gặp lại [dù chỉ là] dấu khắc mạn thuyền, cũng đích thị là một kinh hoàng khó tả.
Khi blogger muốn vận dụng độc thoại như là một phương tiện, một kỹ thuật hay mục đích cho blogging, là anh tự giảm đến tối thiếu các tác động đến hiện thực ở chung quanh. Cẩn thận hơn, anh cho mình khả năng miễn trừ các nguy cơ tiềm ẩn. Bằng cách ban cho mình quyền xóa đi làm lại (hoặc xóa mất tiêu tình tịch luôn, who cares ?). Như một hệ quả phụ phát sinh từ công nghệ blog nói riêng và mạng miếc nói chung, "xóa và thay" đích thực là một đặc quyền vô cùng gây kích thích . Nó miễn trừ cho ta mọi băn khoăn về sai lầm -và trong trường hợp này -thực tại (cho dù kinh hoàng đến đâu).
Với công cuộc blogging trường kỳ, dĩ nhiên đèn nhà ai nấy rạng. Bản thân tôi cũng đã nhiều phen loay hoay với việc định nghĩa: blog là cho ta, hay cho người. Lựa chọn điều gì đó riêng tư 100%, như là ai đọc mặc bây chữ thầy bỏ túi, là phần dễ.
Phần khó hơn phát sinh khi anh hiểu ra rằng blog vốn là thứ bao hàm tính chất đại chúng hóa. Trừ khi anh lựa chọn chế độ just me. Còn khi đã tống lên xa lộ thông tin, blog của anh trước hay sau cũng sẽ bị uỵch từ phía sau. Có lần tôi lạc vào blog yahoo 360 của một người, giao diện và ý tứ hình như thể hiện ước nguyện 100% riêng tư. Vâng, hoa quả lá cành thơ nhạc, pageview không quá 500. Không đả động đến cuộc đời chó má, Bush Kerry, chỉ là những tấm bảng hướng dẫn trỏ về phía tâm trạng trong ngày của chàng. Nhưng khi tôi cắc cớ ngồi search (viva google), tôi nhận thấy hoa lá của chàng toàn là những thứ chôm chỉa từ những trang web hiếm và lạ. Chàng mượn lời người để nói về hồn mình và chàng quên đăng trích dẫn nguồn. Tôi buồn và tôi bỏ đi từ dạo ấy. Rõ ràng, blogger kia không hề muốn tác động gì đến tôi hay suy nghĩ của tôi, nhưng đã đưa lên blog là mặc nhiên trở thành tài nguyên mạng. Và như các loại hiện sinh trong đời, khi con trỏ của tôi đã vùn vụt tốc độ 100MB/s trên highway thì trước sau gì cũng chạm vào một cách vô cùng định mệnh.
Một nhà văn nào đó của nước ta kể về chuyện ông bước vào nghiệp văn bằng những truyện ngắn được vay mượn từ cuộc đời những người chung quanh ông. Một số chi tiết thật, một số tính cách thật được đưa vào văn. Ngay lập tức, ông ta gặp nhiều rắc rối với những người trong đời thật. Hay như cái làng ở Quảng Trạch nơi Nguyễn Quang Lập từng sinh sống đã vài phen dậy sóng sau khi "Những mảnh đời đen trắng" ra đời. Những mảnh đời thật được ông bưng gần như nguyên vẹn từ cái thị xã quê ông bỏ vô tiểu thuyết.
Nếu Quang Lập sợ, ông ta đã gác bút. Nếu Quang Lập có thể xóa, ông ta đã đốt, cho yên chuyện.
Tô Hoài nói: viết là có trách nhiệm. Tôi biết rằng đã qua bao nhiêu thế hệ, trong một thế hệ có bao nhiêu là người, họ đã vật vã, đã sợ hãi với những trang viết của mình. Những đau khổ ấy cứ diễn ra trong và sau những gì mình viết. Quá trình thực dân hóa thực tại là một phần bắt buộc không thể tách rời khỏi quá trình phóng chiếu lên trang viết. Một vấn đề mang tính 2 mặt: là ân huệ đồng thời là kinh hoàng cho người viết. Và cả đối tượng được viết.
Nhưng, cũng Tô Hoài trong cuộc phỏng vấn, có nói: viết là để vệ sinh cái đầu. Có người cần đi cầu nhiều, một ngày 3 lần, có người cả năm đi 1 lần. Nhưng đến một ngày nào đó, điều gì đó cần phải đi ra, thì nó sẽ ra. Rốt cuộc thì blog chỉ là một phương tiện tân thời. Một câu, dường như khởi đầu từ Phan An: "không bàn phím nào tả xiết", hình như đã lột tả nên cái tương đồng về bản chất và khác biệt về chi tiết giữa gõ trên mạng và vạch trên giấy. Khi mới bắt đầu với blog, tôi tự bảo rằng chỉ là cuộc chơi như trăm ngàn cuộc chơi khác.
Buồn thay, tôi dần nhận ra rằng cuộc chơi nào cũng đi kèm luật. Luật của tôi là vui nhưng đàng hoàng, giả nhưng vô tận hiện hữu. Còn trách nhiệm và trung thực luôn luôn cần và không thể không cần trong từng bước đi. Gói gọn và thử lửa 2 thứ cao xa ấy, cũng chính là ý của anh Gauxauxi: chữ nghĩa biết phản tỉnh. Nó nằm ngoài tầm với của tác giả sau khi anh đã phát biểu/ngoáy/ xuất bản/post ... Chả thế, đại thi hào họ Nguyễn cũng lo lắng "bất tri tam bách dư niên hậu". Tôi tin rằng dù là mạng mẽo hay giấy dó, giả trăm phần hay thực phần trăm, tự chúng sẽ phủ định và tái khẳng định cho đến khi cốt thép trơ ra ruột gan lòi lộn. Đến đêm 30 ắt biết giàu nghèo thôi.